Châu Nam Cực là lục địa nằm xa nhất về phía Nam của Trái Đất, nằm trong vùng Nam Cực của Nam bán cầu, gần như hoàn toàn ở trong vòng Nam Cực và được bao quanh bởi Nam Băng Dương.
Với diện tích 14 triệu km2 (5,4 triệu dặm2), châu Nam Cực là lục địa lớn thứ 5 về diện tích sau châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

Theo World Atlas, Nam Cực đang là châu lục nắm giữ nhiều nước ngọt nhất trên toàn thế giới. Khoảng 90% trữ lượng nước ngọt trên Trái Đất đang được lưu giữ ở khu vực này.

Lượng nước ngọt ở châu Nam Cực chủ yếu tồn tại ở dạng băng. Khoảng 98% châu Nam Cực bị bao phủ bởi một lớp băng có bề dày trung bình 1,9km (1,2 dặm). Băng trải rộng khắp mọi phía, xa nhất tới điểm cực Bắc của bán đảo Nam Cực.
Các nhà khoa học cho rằng, nếu toàn bộ băng ở Nam Cực tan chảy, nó sẽ khiến nước biển dâng cao tới 70m, nhấn chìm rất nhiều vùng đất liền trên thế giới.

Theo tổ chức UNESCO, châu Nam Cực là lục địa lạnh nhất. Nơi đây từng ghi nhận mức nhiệt −89 °C (−129 °F), dù vậy nhiệt độ trung bình quý III (giai đoạn lạnh nhất trong năm) là −63 °C (−81 °F).
Tuy không có cư dân sinh sống thường xuyên, nhưng vẫn có từ 1.000 - 5.000 người sinh sống mỗi năm tại các trạm nghiên cứu phân bố rải rác khắp lục địa.

Những người tới cư ngụ đây phần lớn là nhà thám hiểm, chuyên gia. Họ đã thành lập ở Nam Cực thị trấn là Villa Las Estrellas (The Stars) và khu dân cư Esperanza Base. Villa Las Estrellas lớn hơn, được thành lập năm 1984. Esperanza Base nhỏ hơn, được thành lập từ năm 1953.
Nam Cực có nhiều loài động vật như cá voi, các loài chim, hải cẩu, phổ biến nhất là chim cánh cụt. Có tổng cộng 17 loài chim cánh cụt sống trên lục địa này, đông nhất là chim cánh cụt hoàng đế và chim cánh cụt Adelie.