Đa phần các quốc gia trên thế giới đều nằm gọn trong một châu lục duy nhất như Úc thuộc châu Úc, Pháp thuộc châu Âu, Việt Nam thuộc châu Á… Tuy nhiên, do diện tích rộng lớn hoặc nằm ngay vị trí tiếp giáp mà một số ít quốc gia trải dài trên cả hai lục địa.
Tại Đông Nam Á, cũng có một quốc gia nằm giữa hai châu lục khác nhau. Đó chính là Indonesia.

Theo World Atlas, Indonesia có diện tích tự nhiên hơn 1,9 triệukm2. Đây là quốc gia có diện tích tự nhiên xếp thứ 8 khu vực châu Á và thứ 14 trên thế giới.
Indonesia là một trong số ít quốc gia trên thế giới có lãnh thổ trải dài trên hai châu lục khác nhau. Ngoài phần lớn diện tích nằm ở Đông Nam Á, nước này còn có các tỉnh chủ quyền nằm ở châu Đại Dương.

Theo đó, lãnh thổ Indonesia có 2 tỉnh thuộc châu Đại Dương là Papua và tỉnh Tây Papua. Trong đó, Papua là tỉnh có diện tích lớn nhất của Indonesia (319.036km2), còn Tây Papua là tỉnh có dân số ít nhất của Indonesia với hơn 115 nghìn người sinh sống.
Indonesia có chung đường biên giới với quốc gia thuộc về châu Đại Dương là Papua New Guinea. Phần lãnh thổ tiếp giáp này đều nằm trên đảo New Guinea.
Được mệnh danh là “Xứ sở vạn đảo”, Indonesia bao gồm 13.487 hòn đảo với dân số ước tính đạt hơn 274 triệu người (năm 2019), xếp thứ 4 thế giới và đứng thứ 3 châu Á.

Indonesia cũng là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất trên thế giới với 87% dân số nước này theo đạo Hồi.
Do nằm trên các rìa của các mảng kiến tạo Thái Bình Dương, Âu Á, và Úc đã khiến nước này trở thành nơi có nhiều núi lửa và thường xảy ra các vụ động đất. Indonesia có ít nhất 150 núi lửa đang hoạt động.
Bên cạnh Indonesia, trên thế giới cũng có một số quốc gia khác có vị trí địa lý đặc biệt như Ai Cập nằm giữa góc Đông Bắc của châu Phi và góc Tây Nam của châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa châu Âu và châu Á, Nga nằm ở Bắc Á và Đông Âu, Panama nối liền giữa hai lục địa Bắc và Nam Mỹ…