Theo OD, Dasht-e Lut – đồng bằng trống rỗng, là một sa mạc muối lớn nằm ở Iran. Được biết, nơi đây hình thành dưới đáy biển hàng triệu năm trước, nhờ sự thay đổi kiến tạo nên đáy biển dâng cao, nước bốc hơi do nhiệt độ cao hình thành nên sa mạc này.

Theo thời gian, Dasht-e Lut trở thành vùng đất cằn cỗi với diện tích khoảng 51.800km2, được bao quanh bởi núi. Điều này càng góp phần làm cho nhiệt độ tăng cao do núi đã ngăn cản các luồng không khí ẩm ướt tiến vào đây.
Theo khảo sát từ máy đo quảng phổ năm 2003 đến năm 2010, dữ liệu cho thấy nhiệt độ nóng nhất được ghi lại ở đây là 70,7 độ C vào năm 2005. Hằng năm, nhiệt độ ở sa mạc Iran cũng rất cao.

Nơi nóng nhất ở Dasht-e Lut là Gandom Beryan, cao nguyên được bao phủ bởi đá cuội đen núi lửa, rộng khoảng 480km2. Những viên sỏi sẫm màu là yếu tố quyết định đến sự khắc nghiệt của vùng đất này vì chúng hấp thụ nhiều hơn năng lượng từ ánh sáng mặt trời.

Một yếu tố khác quyết định sự khắc nghiệt ở sa mạc chính là thảm thực vật. Đất của Dasht-e Lut mặn khiến cho thực vật cũng rất khó để tồn tại. Dấu hiệu của sự sống trong khu vực là địa y sa mạc và tamarisk, những cây bụi có chiều cao tới 10m.

Có một điều đặc biệt nữa là bạn có thể chiên trứng trên cát và đá ở Dasht-e Lut. Nơi đây có nhiệt độ không khí trung bình vào khoảng 39 độ C.
Chính vì thế, Dasht-e Lut có thời điểm được xem như là nơi nóng nhất thế giới.