Theo Brut Nature, hồ Kawah Ijen, Indonesia có đường kính 722m, sâu 200m và chứa khoảng 36 triệu m3 nước. Kawah Ijen là hồ axit thuộc Banyuwangi, đông Java, nằm trên miệng núi lửa cao 2.300m so với mực nước biển.

Nơi đây được mệnh danh là hồ axit tự nhiên lớn nhất thế giới. Khác với hồ nước màu hồng bí ẩn ở Úc, Kawah Ijen là “vũng nước” màu xanh ngọc, hiện tượng này xuất hiện do nồng độ axit cao và kim loại hoà tan tạo thành.

Nước trong hồ có mức axit sunfuric cao, với độ pH ven bờ là 0.5 và giữa hồ là 0.13. Hoá chất gây hại này rất đậm đặc, còn nguy hiểm hơn "hồ nước tử thần Natron", tới mức có thể làm tan biết tất cả mọi thứ được thả xuống hồ.

Các chất này có nguồn gốc từ một lò magma nằm sâu bên dưới lòng hồ. Hoạt động của magma không ngừng giải phóng dòng khí lưu huỳnh độc hại khiến mặt hồ Kawah Ijen bị bao phủ bởi làn khói trắng.
Những thời điểm nhiệt độ không khí xuống thấp. lưu huỳnh ở đây ngưng tụ và rơi xuống mặt đất, mặt hồ. Khi gặp nhiệt độ cao, dưới sự xúc tác của oxy trong không khí, lưu huỳnh có thể bắt lửa và bốc cháy với ánh sáng có màu xanh lam.

Dù môi trường ở đây rất độc hại nhưng mỗi năm, hồ axit lớn nhất thế giới vẫn đón hàng nghìn du khách đến khám phá. Bên cạnh đó, những người dân nơi đây vẫn khai thác lưu huỳnh hàng ngày mà không có trang phục bảo hộ.